Phản ứng Vụ nam sinh lớp 10 tự tử tại Hà Nội tháng 4 năm 2022

Vụ việc sau khi xảy ra đã tạo nên một làn sóng tranh cãi lớn trong dư luận. Trên các diễn đàn mạng xã hội, những video ghi lại cảnh nhảy lầu và bức thư của nam sinh đã nhận về hàng trăm nghìn lượt tương tác và chia sẻ. Một số tờ báo, trang tin điện tử sau đó cũng trích dẫn lại hình ảnh từ video.[17] Điều này nhanh chóng gây ra những ý kiến trái chiều từ cư dân mạng. Nhiều người cho rằng việc đăng tải video có tác dụng như là một lời cảnh tỉnh cho cha mẹ, trong khi các ý kiến khác lại phản đối vì nó "cắt sâu thêm vào vết thương lòng cho những người ở lại",[17][18] đồng thời cũng yêu cầu phải gỡ bỏ những video trên với lý do vi phạm quy định tại Khoản 2, Điều 32 Bộ luật Dân sự.[3][15] Một tài khoản được cho là của cô ruột nam sinh sau đó đã lên tiếng "van xin" cộng đồng mạng ngừng chia sẻ clip ghi lại sự việc và khuyên rằng "[hãy] lấy nỗi đau này làm bài học để cảnh tỉnh chính mình [...] để mọi chuyện đừng đau đớn thêm nữa".[19][20]

Công an thành phố Hà Nội đã nhìn nhận vụ việc là "đau lòng" và cho biết việc phát tán clip cùng bức thư tuyệt mệnh của nam sinh lên mạng sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến những người thân của nạn nhân.[15] Mục phóng sự của bản tin Việt Nam hôm nay phát trên kênh VTV1 ngày 2 tháng 4 đã đến ghi hình tại lớp học của nam sinh, cho thấy những người bạn của cậu viết thư gửi lời tâm sự và gấp những hoa sen trắng. Hiệu trưởng của trường cũng lên tiếng kêu gọi mọi người ngừng quy kết trách nhiệm cho các bên liên quan vì "chúng ta cần tiếp tục phải sống, phải tiếp tục động viên gia đình" và cho rằng những hành động quy kết này "không mang tính nhân văn".[11][13]

Báo Công luận cho biết vụ việc đã khiến nhiều phụ huynh lo ngại về áp lực thành tích học tập có thể gây tác động tiêu cực đối với trẻ em, đồng thời cũng kêu gọi những phụ huynh khác "thôi coi con cái như trang sức, thành tích của con cái như tấm huy chương cho mình".[21] Bài viết trên báo Tiền phong thì nhận định vụ việc xảy ra do thiếu sự quan tâm đúng mức về mặt tâm lý của cha mẹ với con cái cũng như cho rằng việc thiếu nhận thức từ xã hội đã khiến các em phải "cô độc" chống chọi với bệnh tâm lý và thậm chí là "đầu hàng với cuộc sống".[22] RFA đánh giá vụ việc đã trở thành xu hướng trong bối cảnh nhiều vụ tự tử của học sinh vì bế tắc trong cuộc sống và học tập đang gia tăng, ngoài ra cũng đề xuất mỗi trường học nên có một người tư vấn tâm lý để lắng nghe, chia sẻ và giải quyết khúc mắc của học sinh.[23] Trả lời phỏng vấn với báo Dân trí, nguyên giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, đã chỉ trích những người tiếp tay lan truyền đoạn clip và bức thư tuyệt mệnh của nam sinh, đồng thời gọi những hành động này là "vô cảm", "tàn ác" và "bất nhẫn".[24] Bài podcast của báo VietnamPlus cũng nói rằng "chỉ cần một cú nhấp chuột, chúng ta đã "click" vào nút "share" trên mạng ảo, mà vô tình quên đi hệ lụy của nó [...] mà những người có liên quan đang và sẽ phải gánh chịu".[25]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Vụ nam sinh lớp 10 tự tử tại Hà Nội tháng 4 năm 2022 //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xa-hoi/1028427/... https://vnexpress.net/truy-tim-nguoi-phat-tan-vide... https://web.archive.org/web/20220401100622/http://... https://web.archive.org/web/20220405081327/https:/... https://web.archive.org/web/20220407075051/https:/... https://web.archive.org/web/20220408054658/https:/... https://web.archive.org/web/20220409130201/https:/... https://web.archive.org/web/20220410074547/https:/... https://web.archive.org/web/20220424123602/https:/...